Giây phút không quên ngày 30/4 năm ấy

Trung tướng Phạm Xuân Thệ là người trực tiếp dẫn giải Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập tới Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 30/4/1975. Đó là thời khắc không bao giờ phai mờ trong tâm trí Trung tướng Phạm Xuân Thệ về ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Những ngày đầu tháng 4/1975 là thời điểm quân và dân cả nước hướng về Sài Gòn - Gia Định. Trung tướng Phạm Xuân Thệ khi đó với trọng trách là Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy lực lượng đi đầu phối hợp cùng bộ đội xe tăng, thiết giáp của Quân đoàn 2 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, sau khi giải phóng Đà Nẵng, Quân đoàn 2 được Bộ Tư lệnh tăng cường cùng Sư đoàn 3 - Sao Vàng của Quân khu V và được lệnh hành quân bằng cơ giới vào phía Nam chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhớ về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể: “Sau khi nhận nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Sư đoàn giao, Ban chỉ huy Trung đoàn 66 đã quán triệt, phổ biến nhiệm vụ cho các đơn vị, xây dựng quyết tâm và kế hoạch tổ chức hành quân. Cuộc hành quân lần này toàn bộ bằng cơ giới, đường hành quân dài, nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức cho bộ đội hành quân bằng cơ giới. Tuy vất vả, phải trèo đèo, lội suối, xuyên qua những cánh rừng già nhưng toàn đơn vị đều quyết tâm cao”.

Đến ngày 22/4/1975, đơn vị do Trung tướng Phạm Xuân Thệ dẫn đầu đã liên lạc với Tiểu đoàn 7 - Thị xã Hàm Tân. Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 7 tiến công từ phía Bắc, Tiểu đoàn 8 tiến công từ phía Tây Nam theo trục đường 28 tiến vào thị xã. Ông nhớ lại: “Lúc đó khoảng 21h, chúng tôi bắt đầu nổ súng tiến công. Sau gần 2 giờ chiến đấu, toàn bộ lực lượng địch ở thị xã Hàm Tân bị tiêu diệt và bỏ chạy. Các đơn vị thừa thắng truy kích địch đến tận cảng biển của thị xã Hàm Tân.

Sau đó, Trung đoàn để lại một bộ phận phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương chốt giữ trong thị xã, còn hầu hết lực lượng trở về vị trí tập kết để chuẩn bị tiến công vào Sài Gòn”. Sáng ngày 23/4, Trung đoàn 66 tiếp tục hành quân trong đội hình của Sư đoàn, tập kết ở rừng cao su đồn điền Ông Quế (cách Sài Gòn 60km) về phía Đông. Tại đây, đơn vị được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - trận quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trung đoàn 66 được giao nhiệm vụ làm lực lượng dự bị của Sư đoàn, sẵn sàng thay thế Trung đoàn 9 và 24. Đặc biệt, Trung đoàn 66 có nhiệm vụ nằm trong đội hình Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 nhanh chóng tiến công theo trục đường 15, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa tiến vào nội đô Sài Gòn. Lúc này, cán bộ, chiến sĩ trong Trung đoàn với khí thế rất cao. Mọi người đều hồ hởi khi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Trên những chiếc mũ cứng, cán bộ, chiến sĩ đều dán khẩu hiệu “Quyết tâm giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam”. Đúng 17h ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu, những phát pháo đầu tiên hỏa lực chuẩn bị của Quân đoàn 2 và Sư đoàn 304 bắn vào căn cứ Nước Trong và trường sĩ quan bộ binh của địch. Sau giai đoạn hỏa lực chuẩn bị, bộ đội Trung đoàn 9 và Trung đoàn 24 xung phong tiến công đánh địch ở căn cứ Nước Trong và trường sĩ quan bộ binh của địch (ngày 27/4) nhưng không đánh chiếm được các mục tiêu đã định. Do quân địch dựa vào công sự kiên cố và thế phòng ngự vững chắc các căn cứ trước đây của Mỹ và chư hầu chống trả ta quyết liệt. Sáng 28/4/1975, chỉ huy Sư đoàn 304 lệnh cho Trung đoàn 66 đưa Tiểu đoàn 7 lên tăng cường chiến đấu cho Trung đoàn 9. Đến chiều, Trung đoàn 9 làm chủ hoàn toàn căn cứ Nước Trong, Trung đoàn 24 làm chủ được trường sĩ quan bộ binh đồng thời đánh chiếm được ngã ba Thái Lan và cầu sông Buông trên đường 15. Được lệnh của Sư đoàn, Trung tướng Phạm Xuân Thệ và Tiểu đoàn 7 trở về đội hình chiến đấu của Trung đoàn…

Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại thời khắc lịch sử ấy: “Đêm trước ngày 30/4 lịch sử, chúng tôi đang chiến đấu tại một căn cứ cách Sài Gòn khoảng 40km. Lúc này được Ban Chỉ huy trung đoàn và Bộ Tư lệnh Sư đoàn (lúc đó Sư đoàn gọi là Bộ Tư lệnh) giao nhiệm vụ  đi đầu đội hình để chỉ huy lực lượng của Trung đoàn 66, đi cùng Lữ đoàn xe tăng tiến về Sài Gòn. Mục tiêu là vào nội đô thành phố Sài Gòn để chiếm giữ Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân. Bản thân tôi lúc đó cũng không biết nội các của chính quyền Sài Gòn còn ở trong Dinh Độc Lập. Mục đích là địch ở trong đó nếu chống cự thì triển khai đội hình chiến đấu, không chống cự thì vào chiếm lại và cắm cờ lên nóc Dinh. Về diễn biến trận đánh, từ cầu Thị Nghè về đến Dinh Độc Lập, ở đường nhân dân chưa có ai ra, chỉ có xe của quân Giải phóng ầm ầm đi vào. 

Khi chiếc xe tăng đầu tiên mở được cánh cổng ra, trong khoảnh khắc khoảng 10 - 15 phút, tất cả các loại xe cộ cũng như nhân dân, bộ đội, chiến sĩ của chúng ta ào vào. Lúc tôi bước xuống khỏi xe Jeep, các nhà báo ở đó rất đông, họ chỉ cho chúng tôi lên trên chỗ nội các chính quyền Sài Gòn đang chờ. Gặp nội các địch với tư thế sẵn sàng chiến đấu, người đầu tiên tôi gặp là ông Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Ông Hạnh cho biết, toàn bộ nội các chính quyền của ông Minh đang trong phòng họp, “mời cấp chỉ huy vào làm việc”. Lúc này tôi mới biết là nội các địch còn ở đây, tâm trạng bất ngờ, cũng thoáng chút lo lắng. Trong phòng họp rất rộng đó có khoảng 50 người. Tổng thống Dương Văn Minh bước ra và nói: “Chúng tôi biết quân Giải phóng tiến công vào nội đô, đang chờ quân Giải phóng vào bàn giao”. Lúc này, tôi không nghĩ đến chuyện bàn giao như thế nào, chỉ nói: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không bàn giao gì cả”. Khi được yêu cầu ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, Dương Văn Minh lo sợ vì ở ngoài đường phố vẫn đang tiếp tục chiến đấu, tiếng súng đạn vẫn đang nổ. Tuy nhiên, khi được chúng tôi đảm bảo an toàn, chính Dương Văn Minh là người chỉ đường dẫn tới đài phát thanh.

Tại đó, chúng tôi đã ngồi thảo bản tuyên bố đầu hàng. Quá trình thảo, đọc và ghi âm lại bản thảo diễn ra khoảng 40 - 50 phút. Trong quá trình ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, máy ghi âm của chúng ta (thu được trong một trận chiến ở Đà Nẵng) bị hỏng do rối băng nên phải nhờ một máy ghi âm của một nhà báo nước ngoài có mặt tại thời điểm đó để ghi. Sau khi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện được phát đi và đại diện quân Giải phóng của chúng ta đọc lời chấp nhận lời đầu hàng. Chúng tôi tiếp tục đưa Dương Văn Minh về Dinh Độc Lập để chờ cấp trên vào bàn giao”. 

Theo laodongthudo.vn

Giây phút không quên ngày 30/4 năm ấy

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn