Xạ khuẩn kháng vi khuẩn và nấm bệnh từ đất

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu phân lập thành công xạ khuẩn có khả năng kháng vi khuẩn và vi nấm gây bệnh từ các mẫu đất thuộc tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk.

Nghiên cứu đã phân lập được 58 chủng xạ khuẩn khác nhau, trong đó có 16 chủng có khả năng kháng lại sự sinh trưởng của ít nhất một trong các vi sinh vật kiểm định sử dụng trong nghiên cứu. Nghiên cứu cũng cho thấy, xạ khuẩn thuộc các vùng đất này có khả năng kháng vi khuẩn Gram dương nhiều hơn là Gram âm. Do các vùng đất ở Đắk Nông và Đắk Lắk có thể có nhiều vi khuẩn Gram dương hơn vi khuẩn Gram âm, và việc cạnh tranh môi trường sống với các vi khuẩn Gram dương tạo áp lực cho các xạ khuẩn phải có khả năng tạo ra các hợp chất kháng lại sự sinh trưởng của các vi khuẩn Gram dương. Tuy nhiên, không có xạ khuẩn nào trong số được phân lập có khả năng kháng lại vi khuẩn E. coli - một vi khuẩn Gram âm, khác với các vi khuẩn Gram dương chủ yếu ở cấu tạo lớp vỏ ngoài của tế bào. Nhưng việc phân lập được một số xạ khuẩn (chẳng hạn như chủng DLk3-4) có khả năng kháng lại sự sinh trưởng của vi khuẩn Gram âm như Salmonella typhi, mà không kháng được sự sinh trưởng của vi khuẩn E. coli, sẽ cung cấp manh mối về cơ chế tác động của các kháng sinh tạo ra bởi các xạ khuẩn này đối với các vi khuẩn Gram dương và vi khuẩn Salmonella typhi, cũng như manh mối về cơ chế kháng kháng sinh ở vi khuẩn E. coli.

Ngoài ra, một trong số các xạ khuẩn phân lập được trong nghiên cứu này là Kitasatospora kifunensis, có khả năng kháng lại sự sinh trưởng của các vi khuẩn kiểm định, bao gồm cả methicillin-resistant Staphylococcus aureus (MRSA) – một vi khuẩn siêu kháng thuốc. Ngoài khả năng kháng lại sự sinh trưởng của vi khuẩn gây bệnh ở người, xạ khuẩn K. kifunensis phân lập được cũng có khả năng ức chế tốt sự sinh trưởng của nấm Neoscitalidium dimidiatum (gây bệnh đốm nâu ở cây thanh long) và nấm Colletotrichum gloeosporioides (gây bệnh thán thư ở nhiều loài thực vật có giá trị kinh tế). Việc phân lập được các xạ khuẩn nói trên sẽ tạo nguồn cung cấp kháng sinh kháng lại các vi khuẩn gây bệnh ở người, đặc biệt là các vi khuẩn siêu kháng thuốc và làm cơ sở để khai thác nhằm mục đích phòng trị các loại nấm gây hại cho cây trồng.

Theo khoahocphattrien.vn

Xạ khuẩn kháng vi khuẩn và nấm bệnh từ đất

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn