Hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh dùng LED

Hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng đèn LED do nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Lê Minh Phương (Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) thiết kế gồm 3 phần: bộ đèn LED; tủ điều khiển và gateway; và trung tâm điều khiển.

Bộ đèn LED được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của đèn đường: công suất từ 100 - 200W, có thể lắp trên trụ hoặc cần đèn với góc nghiêng điều chỉnh linh hoạt. Đèn cũng được trang bị phần điều khiển kết nối trung tâm hay thiết bị truyền dữ liệu, để điều khiển và đo lường các thông số của đèn. Ngoài ra, bộ điều khiển còn có khả năng nhận và thực thi các lệnh điều khiển mờ theo thời gian thực, có khả năng trả lời các thông tin từ trung tâm và điều chỉnh được mọi độ mờ của đèn. Bộ điều khiển được lắp đặt ở dưới cùng của cột hoặc bên trong đèn một cách dễ dàng và thuận tiện.

Gateway công nghệ Lora VEGA BS (Gateway Lora) được thiết kế để triển khai mạng LoRaWAN ở tần số 863- 870 MHz, chạy trên hệ điều hành Linux và được cài đặt sẵn bộ chuyển tiếp điều khiển, có chức năng chuyển dữ liệu đến phần mềm trung tâm thông qua các kết nối đường dài GPRS/3G/Lora. Gateway Lora còn thu thập dữ liệu về trạng thái của đèn và cảm biến bên ngoài (ánh sáng, chuyển động) cũng như giúp phát hiện các đèn bị hư hỏng và quản lý, bảo trì từ xa. Tủ điều khiển nhóm đèn điều khiển trực tiếp hoặc bật tắt tự động theo thời gian chiếu sáng từ xa và thực hiện các phép đo, phân tích các tham số khác nhau trong lưới chiếu sáng đường phố. Đồng thời, theo dõi, giám sát quá tải, theo dõi điện áp, lỗi pha và sự khác biệt năng lượng tiêu thụ ban ngày, ban đêm được báo cáo theo thời gian thực tới máy chủ trung tâm.

Đối với Trung tâm điều khiển và quản lý dữ liệu, một phần mềm quản lý từ xa được sử dụng để thu thập và lưu trữ an toàn dữ liệu. Phần mềm cho phép truyền thông thời gian thực với toàn bộ hệ thống qua một giao diện web với các chức năng như quản lý nhiều dự án đèn đường; bao nhiêu người dùng trong hệ thống; giám sát trực tiếp các lỗi từng đèn, tủ điện từng khu vực; bảo trì và báo động tình trạng hệ thống;… Phần mềm quản lý được xây dựng dựa trên ứng dụng đám mây cho phép các nhà khai thác truy cập, kiểm soát và quản lý đèn đường từ mọi nơi. Bên cạnh đó, trung tâm còn có thể phát triển chức năng quản lý việc triển khai đèn đường quy mô lớn ở một số khu vực hoặc toàn thành phố. Hệ thống mạng truyền dữ liệu được xây dựng để phục vụ không những cho mục tiêu chiếu sáng thông minh mà theo định hướng quy hoạch “Smart City” của TP.Hồ Chí Minh. Do vậy, khi sử dụng hệ thống mạng truyền dữ liệu này, ngoài hệ thống chiếu sáng công cộng, những hệ thống khác như quan trắc môi trường, công tơ điện, nước đều có thể kết nối về chung một hạ tầng, tránh việc phải xây dựng nhiều hệ thống mạng cho những hệ thống rời rạc khác nhau.

Hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng LED nói trên đã được lắp đặt thử nghiệm tại khuôn viên Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM), Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.Hồ CHí Minh, đường nội đô Khu Công nghệ Cao TP.Hồ Chí Minh cho kết quả tiết kiệm từ 50 – 70% điện năng so với đèn thủy ngân cao áp, tùy theo phương án điều khiển.

Theo khoahocphattrien.vn

Hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh dùng LED

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn