Hàng may mặc công nghiệp

Sách “Sản xuất hàng may mặc công nghiệp”.

Tác giả: Hồ Thị Minh Hương.

Năm xuất bản: 2018.

Ngành công nghiệp Dệt - May là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, có điều kiện mở rộng thương mại quốc tế và mang lại nhiều nguồn thu cho đất nước. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp Dệt - May đã bắt đầu tạo ra các mối liên kết kinh tế, có ý nghĩa trong việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hoá. Đồng thời, việc mở rộng sản xuất, nhu cầu về máy móc thiết bị và phụ tùng thay thế của ngành cũng tăng lên.

Con người từ khi mới sinh ra đã cần đến áo quần. Nhu cầu đó không thể thiếu được trong suốt cuộc đời. Bên cạnh “cái ăn” để sống, để tồn tại và phát triển thì “cái mặc” còn có công dụng để che thân, bảo vệ sức khoẻ và làm tăng vẻ đẹp, nét thẩm mĩ cá nhân. Nhu cầu may mặc đã trở thành bức thiết với yêu cầu ngày càng cao, càng đa dạng về mẫu mã cũng như chất lượng tiêu dùng. Xuất phát từ nhu cầu rất chính đáng của con người về may mặc, ngành may được hình thành và phát triển mạnh theo thời gian. Hiện nay, ngành này đang chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Ngành may được lưu truyền qua các thế hệ theo kiểu truyền thụ, dạy nghề hay bắt chước nhau. Ở mức độ cao hơn thì việc dạy nghề sẽ có tổ chức (có thợ cả và người học việc). Trong xã hội ngày nay thì ngành may được đào tạo ở nhiều cấp độ từ phổ thông đến đại học và sau đại học. Ngành may phù hợp với cả nam lẫn nữ ở lứa tuổi từ 15 trở lên. Đặc điểm của ngành là sự phát triển các kỹ năng thực hành trong thực tế.

Các sản phẩm may mặc là hàng tiêu dùng mà giá trị sử dụng của chúng được xác định bằng việc thoả mãn những yêu cầu của từng cá nhân. Áo quần phải thể hiện tính thẩm mĩ, làm tôn vẻ đẹp của con người; phải hợp vệ sinh, đảm bảo cho cơ thể hoạt động bình thường và duy trì khả năng làm việc trong các điều kiện khác nhau của môi trường; phải bền và tiện dụng; đảm bảo tính dân tộc của trang phục. Xã hội càng phát triển, đời sống càng được nâng lên thì nhu cầu may mặc càng lớn về số lượng, tăng cao về chất lượng. Sản phẩm may phải đáp ứng cả ba yêu cầu về: thẩm mĩ, kỹ thuật và kinh tế. Mặc đẹp vừa là nhu cầu của mỗi người, vừa là sự cần thiết để tô điểm cho cuộc sống thêm sinh động, đồng thời thể hiện trình độ văn minh, văn hoá của một dân tộc. Hàng may mặc được tổ chức sản xuất theo hai hệ thống: hệ thống may đo và hệ thống may công nghiệp.

Sách trình bày các nội dung:

- Giới thiệu về may mặc công nghiệp.

- Quá trình chuẩn bị sản xuất về: nguyên phụ liệu, thiết kế và công nghệ.

- Quá trình cắt, may và hoàn tất.

- Wash sản phẩm, sản xuất trang phục từ vải dệt kim.

- Công nghệ sản xuất trang phục áo ngực.

Ghi tài liệu tham khảo theo IEEE:

[1] H. T. M. Hương, Sản xuất hàng may mặc công nghiệp. TP.Hồ Chí Minh: Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2018.

Hàng may mặc công nghiệp

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn