Âm học kiến trúc và đô thị

Sách “Âm học kiến trúc, âm học đô thị”.

Tác giả: Phạm Đức Nguyên

Năm xuất bản: 2014.

Âm thanh là một hiện tượng tự nhiên, quen thuộc và gần gũi không chỉ đối với con người mà phần lớn các loài động vật. Gần đây nhất các nhà sinh học còn phát hiện rằng cả thực vật cũng biết “nghe” âm thanh. Song chỉ có con người mới biết cảm thụ, thưởng thức âm thanh để làm phong phú và tô đẹp thêm cuộc sống của mình, nhưng có lẽ cũng chính vì vậy mà con người lại bị âm thanh quấy nhiễu, hành hạ, thậm chí gây bệnh.

Có hai loại tiện nghi âm thanh và tương ứng với chúng là hai lĩnh vực nghiên cứu trong âm học kiến trúc. Trong các thính phòng - khán giả như các nhà hát, phòng hoà nhạc, rạp chiếu phim,v.v… thì điều kiện tiện nghi âm thanh là điều kiện tốt nhất để thu nhận tiếng nói, cảm thụ và thưởng thức tiếng hát, âm nhạc. Lĩnh vực nghiên cứu này được gọi là âm học phòng, hay còn gọi là âm học kiến trúc. Trong các thành phố hiện đại, trong nhà ở, nhà làm việc, nhà máy… thì tiện nghi âm thanh là điều kiện yên tĩnh cần thiết để làm việc hoặc nghỉ ngơi, giải trí cho con người. Lĩnh vực nghiên cứu này là chống tiếng ồn hay còn gọi là âm học xây dựng.

Sách trình bày các nội dung:

- Bản chất vật lý của âm thanh, tai người và đặc điểm cảm thụ âm thanh, đo âm thanh, truyền âm ngoài trời và trong phòng kín.

- Đặc điểm trường âm trong các phòng thính giả, các phương pháp nghiên cứu âm học phòng, phân loại và đánh giá các phòng thính giả, nghiên cứu âm học phòng theo lý thuyết thống kê, theo lý thuyết âm hình học và theo lý thuyết sóng.

- Vật liệu và kết cấu hút âm, thiết kế âm học trong các phòng thính giả, hình dạng phòng thính giả, thiết kế phòng theo âm vang, đánh giá độ rõ tại các chỗ ngồi và lập cấu trúc các phản xạ có ích, đặc điểm và các giải pháp âm học cho các phòng thính giả khác nhau.

- Sử dụng hệ thống điện thanh trong các phòng thính giả, phân loại các hệ thống điện thanh, các yêu cầu đối với hệ thống điện thanh, đặc điểm trường âm trong phòng khi sử dụng hệ thống điện thanh, thiết kế sơ bộ hệ thống điện thanh.

- Âm học đô thị, nguồn ồn trong độ thị và phương pháp đánh giá, ảnh hưởng của tiếng ồn đối với con người và tiêu chuẩn mức ồn cho phép, tính toán lan truyền tiếng ồn giao thông trong đô thị, các biện pháp chống tiếng ồn trong các đô thị.

- Cách âm cho các kết cấu phân cách nhà cửa, sự lan truyền âm trong nhà cửa và phương pháp đánh giá cách âm, tiêu chuẩn chất lượng cách âm, cách âm không khí của các kết cấu và va chạm cho sàn nhà.

- Chống tiếng ồn của các thiết bị và trong nhà công nghiệp, giảm tiếng ồn của các hệ thống điều hoà không khí, chống tiếng ồn trong nhà công nghiệp.

- Phụ lục hệ số hút âm của các vật liệu và kết cấu, tiêu chuẩn chỉ số cách âm cho các kết cấu phân cách nhà dân dụng (theo TCXDVN 277:2002), đặc tính tần số khả năng cách âm (dB) của các loại kính, một số công trình trên thế giới và Việt Nam có áp dụng tốt các giải pháp âm học kiến trúc.

Ghi tài liệu tham khảo theo IEEE:

[1] P. Đ. Nguyên, Âm học kiến trúc, âm học đô thị. Hà Nội: Nxb Xây dựng, 2014.

Âm học kiến trúc và đô thị

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn